Theo thống kê tại các phòng khám nhi khoa, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh viêm họng cấp ngày càng cao. Vì vậy, khi trẻ bị bệnh, cha mẹ cần phải biết cách chăm sóc để tránh bệnh chuyển nặng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ.
Kế hoạch chăm sóc trẻ bị viêm họng cấp khoa học
Bệnh viêm họng cấp ở trẻ không chỉ xuất hiện một lần và biến mất. Bệnh có thể tái phát 4 – 6 lần trong một năm vào những mốc thời gian không xác định. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện của con, ngoài việc thăm khám và chuẩn bị tốt kiến thức về bệnh, cha mẹ cũng nên trang bị đầy đủ kỹ năng chăm sóc. Sau đây là một số biện pháp chăm nom khi trẻ bị viêm họng cấp, bố mẹ có thể tham khảo.
1/ Cho bé nghỉ ngơi nhiều và giữ ấm cơ thể
Khi trẻ bị viêm họng cấp ở mức độ nhẹ, khi đó không cần phải điều trị bằng thuốc phụ huynh có thể chăm sóc và theo dõi tình trạng bệnh của con ngay tại nhà. Cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc là một trong những bước quan trọng nhất cũng là bước chăm sóc đầu tiên cha mẹ cần làm.
Bởi nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng, tái thiết lập nguồn năng lượng mới. Đồng thời, giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài, ngăn ngừa bệnh tái phát. Bên cạnh đó, không khí lạnh chính là tác nhân kích ứng niêm mạc họng khiến bệnh thêm nặng. Vì vậy, phụ huynh đừng quên giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhất là vùng cổ, họng và ngực.
2/ Thường xuyên theo dõi nhiệt độ của trẻ
Viêm họng cấp ở trẻ em thường kèm theo triệu chứng sốt. Và sốt cao có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra nhiệt độ ở con, cách 4 tiếng đo một lần để biết cách xử lý kịp thời. Nếu thân nhiệt trẻ ở 37,5 – 38,5 độ C, lúc này trẻ sốt nhẹ. Cha mẹ chỉ cần dùng khăn lau mát cho bé và cởi bỏ bớt quần áo trẻ mặc trên người để giải tỏa nhiệt, giảm sốt cho con.
3/ Cho bé uống thuốc đúng cách
Trẻ mắc bệnh đều được theo dõi và điều trị thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ đều cảm thấy khó khăn khi cho con nhỏ dùng thuốc. Chính vì điều này, để trẻ uống thuốc dễ dàng và không gây cảm giác sợ hãi, nên chọn dạng thuốc điều trị phù hợp cho trẻ.
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên chọn những loại thuốc dạng lỏng, siro hoặc những loại thuốc giọt hòa vào nước cho trẻ uống. Các loại thuốc dạng lỏng thường được điều chế có mùi thơm và vị ngọt, trẻ rất thích. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể chọn những loại thuốc dạng bột hay cốm đựng trong gói. Mỗi khi dùng, chỉ cần hòa tan với nước thành dạng lỏng, rất dễ uống. Về cách thức cho uống, nếu là trẻ còn ẵm ngửa, phụ huynh nên dùng xilanh bơm từng chút một cho trẻ. Hoặc trẻ lớn hơn, dùng muỗng đút cho con.
Với trẻ từ 5 tuổi trở lên, lúc này trẻ có thể tự nuốt thuốc được. Vì vậy, bố mẹ có thể cho con uống thuốc dạng viên nén bao đường hoặc viên con nhộng. Tuyệt đối, không được nghiền thuốc thành dạng bột, bởi thuốc có thể chứa dược chất gây đắng. Điều này sẽ làm trẻ sợ và tránh xa.
Lưu ý khi cho bé uống thuốc không nên đe dọa hoặc la mắng, tốt nhất nên mềm mỏng, thuyết phục con. Bên cạnh đó, không nên pha thuốc vào bất cứ thức ăn hoặc loại nước uống nào của trẻ, tránh trường hợp làm giảm tác dụng và gây tác dụng phụ.
4/ Xây dựng chế độ ăn điều trị viêm họng cấp ở trẻ
Ngoài việc dùng thuốc điều trị bệnh, cha mẹ cũng nên hết sức lưu tâm đến chế độ dinh dưỡng của con. Một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch, cải thiện và phòng ngừa viêm họng cấp hiệu quả.
Thay vì cho con ăn những món ăn chứa nhiều chất béo no, đồ cay nóng bố mẹ nên cho con ăn những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như cam, quả óc chó, rau củ quả,…
Về nguyên tắc ăn, nên cho con ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó, nên cho trẻ ăn theo nhu cầu, không nên ép trẻ ăn quá nhiều trong bữa ăn. Tốt nhất cha mẹ nên chia khẩu phần ăn trong ngày của trẻ thành nhiều bữa ăn nhỏ. Đối với trẻ sơ sinh mẹ nên cho con bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ rất tốt cho hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của con.
5/ Giữ cho trẻ không bị stress hay căng thẳng
Stress, căng thẳng có thể tàn phá cơ thể theo nhiều cách và là tác nhân khiến bệnh lâu hồi phục. Bởi khi bị stress không chỉ riêng người trưởng thành mà cơ thể trẻ đều rơi vào chế độ “chạy trốn hay chống trả”. Điều này sẽ gây tác động ngược lên tuyến thượng thận khiến lượng cortisol tăng cao và gây cảm giác mệt mỏi, kiệt sức.
Vì vậy, để cải thiện viêm họng cấp ở trẻ em, cha mẹ nên giúp con giữ tâm lý thoải mái như trò chuyện, tâm sự cùng con. Hoặc dẫn con đi dạo chơi hay cho bé tham gia các lớp học thiền, yoga. Đồng thời, không nên la mắng làm tăng thêm áp lực tâm lý cho con.
6/ Kế hoạch phòng bệnh hơn chữa bệnh
Ngoài các biện pháp chăm sóc trẻ bị viêm họng cấp nêu trên, các bậc làm cha làm mẹ cũng nên chuẩn bị sẵn các phương pháp phòng bệnh để giữ cho trẻ luôn khỏe mạnh.
- Thường xuyên súc miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối loãng. Tuy nhiên, khi pha nước muối cho con súc miệng, mẹ nên lưu ý không nên pha quá đậm. Bởi nước muối quá đặc có thể gây tổn thương tế bào niêm mạc họng.
- Vì mũi và họng lưu thông với nhau. Cho nên, ngoài việc vệ sinh họng, vệ sinh mũi cũng là điều cần thiết cần thực hiện cho con để phòng bệnh.
- Không nên cho trẻ uống nước quá nóng hoặc quá lạnh.
- Tập cho con có thói quen uống nước nhiều.
- Hướng dẫn con vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, cầm nắm vật gì đó và sau khi đi vệ sinh.
- Luôn giữ ấm cho con và không cho trẻ đến nơi đông người hay tiếp xúc với người bệnh.
- Đeo khẩu trang cho bé khi đi ra ngoài để tránh bụi và không khí ô nhiễm.
- Phòng ngủ của trẻ cần được thoáng mát. Nếu sử dụng điều hòa cha mẹ nên bật ở nhiệt độ từ 24 – 25 độ C. Nếu dùng quạt, nên bật quạt ở tốc độ lớn trong khoảng thời gian ngắn để giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ. Sau khi trẻ đã ngủ, bố mẹ nên giảm tốc độ dần và cho quạt quay để thay đổi hướng gió.
Có đủ kiến thức và có sẵn kế hoạch chăm sóc khi trẻ bị viêm họng cấp sẽ giúp các bậc phụ huynh giảm bớt sự luống cuống khi con mắc bệnh, nhất là những người lần đầu làm bố mẹ. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho con, khi trẻ xuất hiện một trong những dấu hiệu của bệnh, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện và làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
→ Có thể bạn quan tâm:
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!