Ăn uống không đúng cách sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vậy, bị viêm họng nên ăn gì và kiêng gì để cải thiện?
Viêm họng là bệnh không khó bắt gặp mỗi khi chuyển mùa, khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi. Các triệu chứng thường gặp của bệnh là: đau rát cổ họng, ho có đờm, khàn giọng, mất giọng… gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Ngoài việc dùng thuốc điều trị, chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh, rút ngắn thời gian điều trị.
I. Những món ăn tốt cho người bị viêm họng
Để bệnh viêm họng chóng khỏi, người bệnh cần nhanh chóng bổ sung cho cơ thể những nhóm thực phẩm sau:
Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C
Trong điều trị bệnh viêm họng, vitamin được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên bổ sung vào chế độ ăn. Mặc dù không có khả năng tiêu diệt được vi rút, vi khuẩn gây bệnh nhưng vitamin C có thể tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống sưng viêm, kích thích tuyến nước bọt tăng tiết nước bọt làm sạch khoang miệng, từ đó cải thiện bệnh hiệu quả.
Dùng vitamin C trị viêm họng còn hạn chế nguy cơ sốt thấp khớp, viêm nhiễm gây viêm khớp dạng thấp.
Vitamin C có nhiều trong có loại rau xanh và trái cây tươi như: cam, chanh,bưởi, ổi, xoài, táo, măng cụt, bông cải xanh, đu đủ, bí đen, súp lơ, ớt chuông…
Các chuyên gia khuyên người bệnh viêm họng nên cố gắng bổ sung vitamin tự nhiên từ thực phẩm vì chúng sẽ tốt hơn nhiều so với dùng dược phẩm hay thực phẩm chức năng.
Ăn thực phẩm chứa nhiều kẽm
Kẽm là nguyên tố vi lượng có nhiều tác dụng cho sức khỏe. Kẽm có tác dụng tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng, chống viêm, phòng bệnh cảm lạnh. Bổ sung kẽm từ các loại đậu nành, đậu hà lan, hạt vừng, bí, rau chân vịt, các loại hải sản như hàu, cá, tôm, cua… còn hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn, vi rút gây bệnh, giảm đau rát họng.
Thực phẩm có tính kháng khuẩn, tiêu viêm
Tình trạng sưng, viêm, phù nề niêm mạc họng sẽ nhanh chóng được cải thiện nếu trong khẩu phần ăn hằng ngày bổ sung thực phẩm có tính kháng khuẩn, tiêu viêm như bạc hà, hẹ, mật ong, chanh, húng, nghệ…
Nhờ có đặc tính kháng khuẩn, tiêu viêm, sát trùng, những thực phẩm thuộc nhóm trên sẽ xoa dịu cổ họng, cải thiện tình trạng sưng viêm, tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh.
Thực phẩm có tính mát
Viêm họng gây cảm giác đau buốt, nóng rát ở họng, khó khăn trong ăn uống. Các món ăn mát, trơn, ít cọ xát cơ học sẽ là sự chọn lựa thông minh, phù hợp để làm mát sâu cổ họng và hạn chế tổn thương không đáng có ở bề mặt niêm mạc họng. Theo đó, người bệnh nên ăn: các món canh được chế biến từ rau mùng tơi, rau lang, rau đay, bí, mướp, rau sâm…
II. Cần kiêng ăn gì khi bị bệnh viêm họng?
Có những thực phẩm giúp bệnh nhân viêm họng cảm thấy thoái mái, dễ chịu nhưng cũng có những thực phẩm nếu ăn nhiều sẽ khiến niêm mạc họng bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Chế độ ăn của bệnh nhân viêm họng cần loại bỏ hoặc hạn chế những món sau:
Hạn chế ăn đồ chiên nướng
Đồ chiên, nướng, rán…là những món hấp dẫn, bắt mắt, dễ gây kích thích vị giác. Tuy nhiên, thực phẩm trên khá khô và cứng, ăn nhiều sẽ gây khó khăn cho việc nuốt, đồng thời làm xây xước bề mặt niêm mạc họng, khiến bệnh càng nghiêm trọng hơn.
Hạn chế đồ ăn cay
Viêm họng khiến cho niêm mạc họng ửng đỏ, viêm, gây đau rát. Dù rát nhiều hay ít thì những món ăn cay hoàn toàn không có lợi cho bệnh nhân bị viêm họng. Ăn đồ cay khiến cho niêm mạc họng bị kích ứng, tình trạng sưng viêm càng nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần.
Các món cay, gia vị cay, nóng như hành, tiêu, ớt, gừng cần được hạn chế cho đến khi họng của bạn được phục hồi.
Kiêng đồ uống chứa cồn
Vì rượu, bia có cồn, có tính sát khuẩn nên nhiều người bị viêm họng thường dùng thức uống trên để sát trùng họng. Trên thực tế, bệnh viêm họng khi chỉ đến từ tác nhân vi khuẩn mà còn do vi-rút. Ngoài ra, nồng độ cồn trong rượu, bia không đủ mạnh để có thể sát khuẩn.
Ngược lại, rượu, bia và đồ uống chứa cồn sẽ tăng cảm giác nóng rát ở họng. Rượu, bia ướp lạnh, uống kèm đá càng khiến tình trạng sưng, viêm họng nặng nề hơn. Khi say, cơ hô hấp mất kiểm soát khiến cho dịch tăng tiết nhiều, người bệnh thường há miệng để thở. Không khí chưa được làm ẩm đã trực tiếp đi vào họng sẽ khiến bệnh càng nghiêm trọng hơn.
Hạn chế dùng món đặc, tắc
Chế độ ăn của người bị viêm họng cần hạn chế những thực phẩm tăng ma sát cơ học gây xây xác niêm mạc họng. Chính vì vậy mà những món ăn tắc, đặc hoàn toàn không tốt để hỗ trợ điều trị bệnh. Hơn nữa, viêm họng khiến cho bề mặt niêm mạc họng hình thành những lõm gồ ghề, việc ăn món đặc sẽ khiến chúng vướng lại nơi đây. Sự tồn dư của thực phẩm sẽ kích thích cơn ho.
Một số món ăn có tính chất đặc, dễ gây tắc cần tránh đó là: lòng đỏ trứng, súp khoai môn, súp khoai tây, xốt có bột đao…
Kiêng món ăn lạnh
Ăn nhiều kem, uống nước đá, ăn đồ lạnh nhiều sẽ khiến cho niêm mạc họng vốn đã suy yếu lại dễ bị “gây hấn” với cơ thể, một lát sau gây ngứa, rát cổ họng và ho. Nếu ăn, uống đồ lạnh liên tục có thể khiến cho niêm mạc họng sưng to, đau, tấy, kèm mủ. Khi đó, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, sốt.
Thực phẩm ngọt nhiều đường
Ăn nhiều đường không chỉ dễ tăng cần mà còn giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên American Journal of Clinical Nutrition cho thấy, ăn 100 gam đường sẽ gây cản trở năng suất chống chọi vi khuẩn gây bệnh của bạch cầu trong suốt 5 giờ đồng hồ. Do đó, người bệnh viêm họng cần hạn chế đồ ăn ngọt.
Với giải đáp viêm họng nên ăn gì và không ăn gì trên, hy vọng bạn chọn cho mình thực phẩm phù hợp để hỗ trợ điều trị, sớm thoát khỏi triệu chứng khó chịu bệnh gây nên.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!