“Em đang trong thời kỳ mang bầu ở tháng thứ 4. Gần đây em thường mắc một số triệu chứng như đau đầu, sổ mũi, nghẹt mũi rất khó chịu. Theo tìm hiểu thì em biết mình bị viêm xoang. Cũng muốn mua thuốc uống mà em sợ ảnh hưởng tới em bé. Không biết mẹ bị viêm xoang có ảnh hưởng đến thai nhi không bác sĩ? Em đang rất lo lắng. Rất mong nhận được sự giúp đỡ từ bác sĩ.”
(Nguyễn Hồng Ngọc, 24 tuổi, Hà Nội)
Cảm ơn bạn Hồng Ngọc đã gửi câu hỏi về cho chuyên mục chuyenkhoataimuihong.com. Câu hỏi của bạn cũng chính là thắc mắc của rất nhiều mẹ bầu hiện nay. Chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương) để giúp bạn có được lời giải đáp thỏa đáng nhất.
I. Mẹ bị viêm xoang có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Bạn Hồng Ngọc thân mến!
Chắc hẳn bạn cũng biết thời kỳ mang thai là khoảng thời gian vô cùng nhạy cảm của phụ nữ. Trong thời kỳ này, sức đề kháng của cơ thể suy yếu khiến cho phụ nữ dễ mắc phải những bệnh viêm nhiễm trong đó viêm xoang là một trường hợp điển hình.
Bệnh viêm xoang không chỉ gây nên những khó chịu cho người bệnh. Trong thai kỳ, phụ nữ sẽ thường hay lo lắng bệnh tình ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Nhiều người vì quá lo lắng khiến cho tinh thần không thoải mái, cơ thể suy nhược không tốt cho cả mẹ và bé.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, nếu mẹ bầu mắc viêm xoang ở tình trạng nhẹ với các biểu hiện như nghẹt mũi, ho nhẹ, chảy nước mũi thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thai nhi.
Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải tình trạng viêm xoang với những biểu hiện nặng như sốt, nhức đầu dai dẳng, ho nặng về đêm thì nên đến bác sĩ thăm khám để được chữa bệnh theo đơn thuốc. Đương nhiên là việc uống thuốc cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thai nhi. Các mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị vì có thể gây những biến chứng khó lường cho thai nhi vì những thành phần trong thuốc.
Khi cơ thể của mẹ không khỏe thì điều tất yếu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Thai phụ nếu bị viêm xoang mà không chữa trị kịp thời, lâu dần vi khuẩn tích tụ quá nhiều sẽ làm gia tăng nguy cơ sinh non. Mẹ bầu cần chú ý giữ gìn sức khỏe để tránh mọi căn bệnh chứ không riêng gì bệnh viêm xoang.
II. Nhận biết sớm dấu hiệu viêm xoang ở mẹ bầu
Dấu hiệu viêm xoang ở mẹ bầu cũng giống như dấu hiệu viêm xoang ở những người bình thường nhưng ở mức độ nặng nề hơn.
- Đau đầu: khi bị viêm xoang, mẹ bầu sẽ có cảm giác đau nhức đầu, nặng đầu, đau nhiều hơn khi về sáng. Nhất là mỗi khi thay đổi thời tiết hay khi bị cảm lạnh cơn đau sẽ càng thêm dai dẳng. Vị trí đau phụ thuộc vào vị trí xoang bị viêm, có thể ở trán lan lên đỉnh đầu, xuống phía hàm trên hay ra sau vùng chẩm.
- Ngạt mũi: người bình thường sẽ vẫn có thể chỉ nghẹt một bên mũi nhưng đối với mẹ bầu thường nghẹt cả hai bên. Điều này khiến cho việc thở rất khó khăn và phải thở bằng miệng. Dấu hiệu viêm xoang này đi kèm với việc giảm khả năng ngửi.
- Chảy mũi: dịch mũi có thể chảy xuống mũi hay xuống phía sau họng. Dịch mũi thường đặc, có màu vàng hoặc xanh và có mùi hôi rất khó chịu.
- Sốt: Đây cũng chính là một biểu hiện mà mẹ bầu thường gặp phải. có thể chỉ bị sốt nhẹ nhưng cũng có lúc sốt rất cao.
Khi cơ thể xuất hiện những biểu hiện mà chúng tôi nói trên, mẹ bầu cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời. Tránh việc chủ quan không chữa trị sẽ gặp phải nhiều biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai nhi.
III. Làm thế nào để chữa viêm xoang khi mang thai hiệu quả?
Đối với phụ nữ đang mang thai, việc điều trị viêm xoang kịp thời là vô cùng khẩn thiết. Việc điều trị bệnh nhằm mục đích tái lập sự thông thoáng cho hệ thống lỗ thông của mũi xoang. Mẹ bầu thường được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc với sự theo dõi nghiêm ngặt của bác sĩ.
- Thuốc dùng tại chỗ
Trường hợp bệnh còn nhẹ thì mẹ bầu không cần quá lo lắng. Đây sẽ là phương pháp điều trị hữu hiệu và tương đối an toàn .
Kháng sinh: Dùng nhỏ mũi
Thuốc co mạch dạng xịt, nhỏ mũi:Thuốc chỉ nên sử dụng trong 7 – 10 ngày và cần sự theo dõi, chỉ định của bác sĩ.
Thuốc chống viêm dạng xịt hoặc nhỏ mũi: thuốc dùng đường này ít gây tác dụng phụ hơn so với đường uống nên được sử dụng nhiều hơn. Tuy nhiên với trường hợp nhạy cảm như mẹ bầu thì sự theo dõi sát sao từ bác sĩ là rất cần thiết.
- Thuốc toàn thân (Là dạng thuốc uống)
Kháng sinh: Loại thuốc này cần lựa chọn rất cẩn thận để tránh hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn cũng như tránh ảnh hưởng tới em bé.
Thuốc chống viêm, giảm phù nề: giúp mũi xoang được thông thoáng. Nhóm thuốc chống viêm có chứa steroid có nhiều tác dụng phụ như loét dạ dày, loãng xương, tăng huyết áp, tiểu đường,… nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn khoảng dưới một tuần. Khi dùng phải có được sự chỉ định cũng như kiểm soát của bác sĩ. Nhóm thuốc chống viêm do các men alphachymotrypsin thì có thể uống hoặc ngậm.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể được bác sĩ chỉ định dùng một số loại thuốc khác như thuốc giảm đau không steroid, thuốc long đờm, thuốc chống dị ứng.
Chỉ cần có sự can thiệp của thuốc dù là dùng theo đường toàn thân hay tại chỗ đều có những ảnh hưởng nhất định đến cả mẹ và bé. Chính vì vậy, trong quá trình chữa trị viêm xoang, mẹ bầu cần có sự chỉ định và theo dõi nghiêm ngặt từ bác sĩ. Tránh việc tự ý sử dụng vì có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm.
Để tránh được nguy cơ mắc bệnh viêm xoang gây ảnh hưởng đến thai nhi, mẹ bầu cần:
- Bảo vệ cơ thể nhất là vào mùa lạnh. Ra đường nhớ đeo khẩu trang. Tránh tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá.
- Vệ sinh thân thể đặc biệt là vệ sinh mũi mỗi ngày bằng nước muối sinh lí. Giữ gìn nhà ở và nơi làm việc sạch sẽ.
- Có chế độ ăn uống hợp lý nhằm nâng cao sức đề kháng. Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho mẹ bầu. Ngoài ra việc vận động nhẹ nhàng cũng là điều quan trọng để có được cơ thể khỏe mạnh.
- Khi có bất kỳ dấu hiệu viêm xoang nào ghé thăm cần tới ngay các cơ sở y tế thăm khám. Từ đó có cách chữa trị kịp thời. Tránh để lâu bệnh nặng rất khó chữa và gây nhiều biến chứng.
Những chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường hy vọng sẽ giúp bạn Hồng Ngọc cũng như những mẹ bầu khác có được lời giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi “Mẹ bầu bị viêm xoang có ảnh hưởng đến thai nhi không?”. Một người mẹ khỏe mạnh mới có thể sinh ra những em bé khỏe mạnh. Đừng vì chút chủ quan của mình làm ảnh hưởng tới sức khỏe của bé bạn nhé.
Biên soạn: Trang Pham
Bạn nên tham khảo thêm:
XEM THÊM
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!