Bệnh viêm họng trào ngược: Có thể bạn đang gặp mà không hay biết

Gần đây, báo đài có đưa lên thông tin bệnh nhân đi khám mũi họng nhưng lại được kê thuốc dạ dày. Chuyện có vẻ vô lý nhưng sẽ là hợp lý cho những ai biết về bệnh viêm họng trào ngược.

Nhiều người nghĩ rằng, viêm họng là do vi trùng, vi rút xâm nhập và gây bệnh, ít ai biết đến tác nhân khác gây viêm họng đó là trào ngược dạ dày (GERD). Viêm họng do trào ngược thường dai dẳng, dễ chuyển thành mãn tính nếu không sớm phát hiện nguyên nhân và có biện pháp chữa trị phù hợp.

bệnh viêm họng trào ngược
Viêm họng do trào ngược thường dai dẳng, dễ chuyển thành mãn tính nếu không sớm phát hiện nguyên nhân.

Trào ngược dạ dày – “thủ phạm” gây viêm họng nhưng ít người hay

Trào ngược dạ dày tên tiếng anh là Gastro Esophageal Reflux Disease, viết tắt là (GERD) là tình trạng chất dịch trong dạ dày gồm axit, pepsin, dịch mật trào từng đợt hay thường xuyên lên dạ dày, thực quản.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày được xác định do sự suy yếu của hàng rào bảo vệ dạ dày – thực quản, trong đó bộ phận quan trọng nhất là cơ vòng thực quản – van một chiều ngăn cách giữa thực quản và dạ dày, có nhiệm vụ mở ra khi thức ăn từ thực quản xuống dạ dày và đóng lại để ngăn hiện tượng trào ngược dạ dày.

Tuy nhiên, chính sự suy yếu của bộ phận này đã khiến cho dịch đưa lên hầu, họng. Bản chất vùng hầu họng rất nhạy cảm, khi tiếp xúc với lượng axit nhiều và lâu sẽ gây kích ứng, hình thành ổ viêm ở họng, gây viêm họng.

Ngoài ra lượng dịch dạ dày trào ngược vào hầu họng cũng gây kích thích lên thần kinh khiến cơ vòng thực quản hoạt động bất thường, càng khiến cho thực quản hoạt động bất thường, tăng áp lực ở dạ dày, tăng lượng axit trào ngược.

Chất dịch trào ngược càng nhiều, mức độ trào ngược càng thường xuyên thì tình trạng sưng, viêm, phù nề ở họng sẽ càng nghiêm trọng. Viêm họng do trào ngược nếu không sớm điều trị sớm, bệnh dễ chuyển sang mãn tính.

Cách phân biệt viêm họng thông thường và viêm họng do trào ngược

Bác sĩ BS Ninh Hương Giang, BV E Hà Nội cho biết, bệnh viêm họng thông thường và viêm họng do trào ngược dễ gây nhầm lẫn với nhau, điều này dẫn đến việc điều trị không đúng cách, bệnh mãi không dứt.

Trường hợp anh Võ Văn Minh, 25 tuổi, Ba Đình, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Ban đầu, anh Minh bị ho, ợ hơi, ợ chua nhẹ. 2-3 ngày sau, anh bị đau rát cổ họng, rát thượng vị,  hơi thở có mùi khó chịu, cơn ho xuất hiện và ho dai dẳng hơn khi về đêm. Nghĩ mình bị viêm họng nên ăn có đến nhà thuốc mua kháng sinh về uống. Tuy nhiên, qua mấy hôm rồi nhưng bệnh không có dấu hiệu suy giảm, cứ đến chiều là anh lại sốt nhẹ, khó chịu trong người. Đi khám, anh được chẩn đoán bị viêm họng do trào ngược.

viêm họng do trào ngược dạ dày
Bệnh viêm họng thông thường và viêm họng do trào ngược dễ gây nhầm lẫn với nhau, điều này dẫn đến việc điều trị không đúng cách

Bác sĩ Giang cho biết, viêm họng do trào ngược dạ dày bên cạnh những triệu chứng viêm họng thông thường như  ho, sốt nhẹ, nóng rát cổ họng…, bệnh nhân còn xuất hiện biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày:

  • Cảm giác đau rát họng kèm theo nóng rát ngực: Chất dịch trào ngược gây kích ứng, bào mòn lớp chất nhầy vốn đã rất mỏng ở thực quản, họng gây cảm giác đau rát, nóng rát, khô họng khó chịu
  • Ợ nóng và ợ chua: Hầu như bệnh nhân bị trào ngược dạ dày nào cũng đều gặp phải tình trạng trên.
  • Ho khan, khàn giọng: Dịch vị trào ngược lên cổ họng khiến cho bệnh nhân cảm thấy vướng víu như mắc vật gì đó trong cổ. Ho là phản xạ tự  nhiên giúp loại bỏ đi cảm giác khó chịu đó. Dịch trào ngược nếu xâm nhập vào dây thanh sẽ khiến thanh quản bị sưng, viêm gây khàn giọng, nói giọng khó nghe.
  • Họng sưng, đau rát, đau hơn khi nuốt thức ăn: Tình trạng sưng, viêm niêm mạc họng sẽ khiến cho đường thở, đường ăn thu hẹp lại, thức ăn đi qua khó khăn. Sự ma sát giữa thức ăn và niêm mạc họng cũng là nguyên nhân gây nên cảm giác đau rát muối khi ăn uống.
  • Nước bọt tiết nhiều hơn thông thường: Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi nồng độ axit có trong khoang miệng tăng lên bất thường. Lượng nước bọt này được tiết ra có tác dụng trung hòa axit dạ dày.

Khi xuất hiện những biểu hiện bất thường, bệnh nhân cần nhanh chóng đi thăm khám bệnh sớm, tránh tự ý chữa trị khi chưa chẩn được bệnh.

Cách chữa bệnh viêm họng do trào ngược dạ dày

Chính vì nguyên nhân gây bệnh có sự khác biệt nên cách điều trị viêm họng do trào ngược dạ dày không chỉ đơn giản là dùng kháng sinh hay dùng thuốc giảm đau hạ sốt như bệnh viêm họng thông thường mà cần đến thuốc dạ dày. Điều này cũng lý giải cho việc tại sao trong toa thuốc của bác sĩ trị viêm họng có thuốc chữa dạ dày.

Điều trị viêm họng do trào ngược dạ dày
Điều trị viêm họng do trào ngược dạ dày cần đến thuốc dạ dày.

Thuốc kháng sinh:

Đối với trường hợp có vi khuẩn viêm họng trong khoang miệng, bệnh nhân sẽ được chỉ định thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Không dùng kháng sinh cho trường hợp không nhiễm khuẩn. Các loại kháng sinh trị viêm họng thường dùng là penicillin (hoặc ampicillin, amoxicillin), macrolid, cephalosporin và clindamycine.

Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Gồm Omeprazole, Lansoprazole. Pantoprazole, có tác dụng giảm sự bài tiết dịch vị ở dạ dày, ngăn ngừa axit dư thừa trào ngược lên thực quản, họng.

Thuốc kháng Histamin

Tương tự như thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng Histamin cũng có tác dụng giảm nồng độ Hcl trong dịch vị. Một số thuốc thuộc nhóm trên là: Cimetidin, nizatidin, famotidin, và ranitidin.

Thuốc tạo màng ngăn dạ dày – thực quản

Thuốc giúp tạo lớp gel ngăn cách giữa dạ dày và thực quản. Lớp gel này được hình thành khi thuốc tiếp xúc với axit Hcl và nổi lên bên trên dịch vị, giúp ngăn chặn axit tấn công thực quản, họng, thanh quản, bảo vệ cơ quan này, giúp bệnh nhân thoát khỏi cảm giác nóng rát họng mỗi khi ăn hay khi nằm xuống. Một số thuốc thuộc nhóm trên gồm: Alginat, dimeticol (gel polysilan).

Thuốc tây có tác dụng khắc phục triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc trong thời gian sẽ làm thiếu hụt axit dạ dày, thức ăn ứ đọng lâu hơn gây chứng chướng bụng, đầy bụng.

Hướng dẫn cách phòng bệnh viêm họng do trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là căn nguyên gây viêm họng. Việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày là cách an toàn nhất giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi cảm giác khó chịu bệnh gây nên.

Ăn uống hợp lý:

  • Hạn chế uống nhiều rượu, bia, đồ uống có gas, thuốc lá.
  • Hạn chế đồ ăn chiên rán, đồ nhiều dầu mỡ khó tiêu.
  • Hạn chế đồ ăn cay, nóng.
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều axit như: đồ muối chua, các loại trái cây như cam, chanh, bưởi, quất…
  • Bổ sung thực phẩm chứa giàu vitamin C, khoáng chất, đạm dễ tiêu như các loại rau xanh, trái cây, thịt trắng, hải sản…

Hình thành thói quen ăn uống khoa học

  • Không vận động mạnh sau khi ăn hoặc nằm ngay sau khi ăn, thay vào đó nên có những động tác vận động, thư giãn nhẹ sau khi ăn như đi bộ, tập yoga…
  • Không ăn quá no, tập ăn chậm nhai kĩ. Nên chia bữa ăn chính thành nhiều bữa ăn phụ.
  • Không lạm dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm hay những loại thuốc tây trị bệnh.

Sinh hoạt lành mạnh

  • Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng, stress, áp lực, lo lắng kéo dài.
  • Tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Giữ ấm mũi, họng, ngực.

Thăm khám sức khỏe

Thường xuyên thăm khám sức khỏe định để phát hiện những bất thường trong cơ thể. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, không được tự ý mua thuốc điều trị mà nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, người có chuyên môn để tìm ra biện pháp khắc phục đúng đắn, kịp thời.

Viêm họng trào ngược dễ nhầm lẫn với bệnh viêm họng thông thường nếu không nắm đủ kiến thức về bệnh. Để trị được viêm họng do trào ngược, điểm then chốt nhất vẫn là điều trị bệnh trào ngược dạ dày. Khi phần gốc đã được “nhổ bỏ”, phần ngọn cũng sẽ tự biến mất.

Cập nhật lúc 23:16 - 05/06/2023

Bình luận

Bệnh viêm họng trào ngược: Có thể bạn đang gặp mà không hay biết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *